CHƯƠNG 2 Khiêm Nhường Trong các nhân đức, thì Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu sống đức khiêm nhường tới mức cuối cùng, và chính vì muốn được thật khiêm nhường, thật bé nhỏ, nên Chị đã theo “Đường thơ ấu thiêng liêng”, nói khác đi, chính vì trung thành theo đường này mà Chị được khiêm nhường và đơn sơ như trẻ nhỏ.Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu sung sướng thấy mình sống trong Dòng đã chín năm, mà luôn còn ở Nhà tập, không thuộc thành phần của Hội Đồng Dòng và bị coi là “bé nhỏ”.
“Lạy Chúa, con xin được đau khổ và khinh chê” Khi đau khổ ê chề vì Cha chúng tôi bệnh nạn. Chị chứng tỏ rằng những khát vọng chịu khinh chê nơi Chị không phải là những chữ suông nữa. Nhiều lần ngay từ hồi thơ ấu, Chị đã nhắc đi nhắc lại cách hăng say lời sau đây của Thánh Gioan Thánh Giá: “Lạy Chúa, con xin được đau khổ và khinh chê vì Chúa”. Đó cũng là điều chúng tôi ước vọng khi tựa bên cửa sổ ở Vọng Tháp (Belvédère), cùng nhau trò chuyện về cuộc sống vĩnh cửu. Hãy yêu thích để người ta sai khiến và quở trách mình Chị bảo tôi: “Cần nhất phải khiêm nhường tự nội tâm, mà chị không thể khiêm Chúng ta phải rất vui lòng để đôi khi kẻ khác gièm pha, vì nếu không ai làm điều đó, thì hỏi ta sẽ ra sao? Không mấy ích lợi cho ta”. Trong một dịp lễ Cộng đồng, Chị sáng tác để trình diễn một màn “trò chơi
đạo đức”, Chị bị trách là vở tuồng quá dài và người ta bảo Chị ngưng lại.
Tôi bắt gặp Chị lau trộm nước mắt phía trong cánh cửa. Rồi tự chủ được xúc động, Chị lại bình tĩnh và dịu dàng trong cảnh bị làm mất thể diện như vậy. - Em rất muốn đón nhận những điều chỉ dẫn đứng đắng khi lầm lẫn, em bằng lòng lắm. Nhưng bị quở trách lúc mình vô tội, thì thật không chịu nổi. - Trái lại em, em thích được tố cáo sai sự thực, vì khi đó em không phải trách mình nữa, và em sung sướng dâng điều đó cho Chúa, rồi em sẽ khiêm tốn thấy rằng mình rất có thể lỗi phạm điều người khác vừa tố cáo mình. Chị đơn thành thổ lộ với tôi: - Em thấy hình như khiêm nhường là chính chân lý. Em không biết em có khiêm nhường hay không, nhưng em cảm thấy mình nhận ra chân lý trong mọi sự vật. Chị có thói quen tự xếp mình thuộc loại những kẻ yếu đuối, danh từ “những tâm hồn bé nhỏ” cũng do đó mà có. Trong những lời khuyên dạy riêng từng chị em Nhà tập, Chị thường luôn nói về khiêm nhường. Điều Chị muốn là dạy chúng tôi không những tránh buồn nản khi thấy mình yếu đuối, mà còn “khoe” những yếu hèn của mình ra nữa .Chị nói: “Êm dịu biết bao khi thấy mình yếu đuối và bé nhỏ!”.
“Chị có một con chó con…” Nhân dịp Chị Têrêsa chỉ cho tôi thấy tất cả những khuyết điểm của tôi, tôi đã buồn phiền và một phần nhụt nhuệ khí. Tôi nghĩ: “Tôi ước ao có các nhân đức biết bao nhiêu, nhưng còn xa vời quá! Muốn dịu hiền, kiên nhẫn, khiêm nhường, bác ái… nhưng không đi tới đâu hết!”. Tuy thế, giờ nguyện gẫm ban chiều, tôi đọc thấy Thánh Nữ Gertruđê cũng tỏ bày cùng một ước nguyện như vậy và Chúa Giêsu đã trả lời Thánh nữ: “Trong mọi việc và trên hết, con hãy có thiện chí thành tâm. Chỉ duy tâm tình này làm con được toả sáng và có huân nghiệp đặc biệt của mọi nhân đức. Ai có thiện chí thành tâm, có ước muốn đơn thuần làm vinh danh Cha, tạ ơn Cha, cảm thông đau khổ Cha, mến yêu và phụng sự Cha bằng tất cả thụ tạo, thì người đó chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng với lòng độ lượng Cha, và đôi khi ước muốn đơn thành ấy còn ích lợi hơn những nghĩa cử của kẻ khác”. Rất an tâm và được phấn khởi vì những lời trên, tôi tâm sự với Têrêsa, người em “Bề trên” của tôi. Chị đào sâu tư tưởng và thêm: “Chị đã đọc Tiểu sử Cha Surin chưa? Ngài trừ quỷ và quỷ bảo Ngài: chúng ta chiến thắng tất cả. Chỉ có cái “Con chó thiện chí” là làm bọn ta không bao giờ kháng cự lại nổi!”14. Này! Nếu chị thiếu nhân đức thì chị đã có “Con chó con” nó cứu chị khỏi mọi nguy hiểm rồi. Chị hãy an lòng, “Con chó con” đó sẽ đưa chị tới thiên đàng. A! Tâm hồn nào mà không khát mong có nhân đức! Đó là con đường thông thường! Nhưng thật hiếm những tâm hồn nhận mình sa ngã, yếu đuối và bằng lòng thấy mình đo đất, đồng thời an vui để người khác bắt gặp mình trong tình trạng ấy.
Lý do tự hạ Ngày kia tôi thấy nản chí và cho là do sự mệt mỏi mà ra. Chị nói: “Khi không thực tập được các nhân đức, đừng bao giờ chị cho là do một nguyên nhân tự nhiên nào đó như bệnh tật, thời gian hay phiền muộn. Trái lại, chị phải lợi dụng cơ hội để tập khiêm nhường, và đặt mình vào hàng những ‘tâm hồn bé nhỏ’, vì chị chỉ có thể thực tập các nhân đức cách quá yếu ớt! Điều chị cần lúc này không phải là tập được những nhân đức anh hùng, mà là cần có tinh thần khiêm nhường. Muốn được thế thì mọi việc chị thành công đều phải vương thêm chút thất bại, để chị không thể thoải mái khi nghĩ tới thành công đó. Trái lại mỗi lần nghĩ tới là mỗi lần chị tự hạ, vì thấy mình không phải là một tâm hồn anh hùng. Có những kẻ bao lâu còn sống dưới thế, bấy lâu không hề được thấy đồng loại trọng kính mình: nhờ đó họ không dám tin mình cũng có những nhân đức mình khâm phục nơi kẻ khác”.
Một “phương thế nhỏ” Chị nói với tôi: “Mới đây em khó chịu với một chị và tưởng chị ấy không nhận ra. Việc chiến đấu còn trong nội tâm, tuy vậy em tự nuôi trong trí là chị đã nhận ra em chẳng có nhân đức chi hết, và em rất sung sướng cảm thấy mình yếu hèn như thế”. Lần khác, trong một hoàn cảnh tương tự, Chị cũng nói với tôi: “Em tràn ngập sung sướng vì mình đã thiếu sót. Hôm nay Chúa ban cho em những ơn thật trọng đại, hôm nay đúng là một ngày có phước…”. Tôi hỏi Chị làm thế nào mà có những tâm tình đó? Chị trả lời: “Phương thế em dùng là luôn luôn vui vẻ, tươi cười lúc thất bại cũng như lúc thành công”. Một tâm hồn dũng mãnh như vậy mà vẫn nghi ngờ chính mình, tin rằng mình có thể phạm những tội tầy trời. Chị đã đề dưới tấm ảnh Chúa Giêsu chịu nạn những hàng chứng tỏ tâm tình thường xuyên của Chị: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ con mến Thầy 15, nhưng xin Thầy đoái thương con, vì con chỉ là kẻ có tội”. Chị chỉ dẫn cho tôi hay một việc chính Chị thấy rõ cái phi bạc nhẹ dạ mà không ai tránh nổi: Đó là đêm Sinh Nhật 1887, giữa lúc Chị hy vọng được vào Nhà Kín thì Chị lại chịu một thử thách kỳ lạ. Sau biết bao cố gắng mà vốn thấy mình còn ở ngoài đời, tâm hồn Chị như qua cơn hấp hối. Sau này Chị thổ lộ: “Ồ! Chị có thể tưởng được giữa lúc em chìm ngập trong biển sầu như vậy mà còn có thể thích thú đội chiếc nón mới, có đính hình chim bồ câu trắng! Những tính tự nhiên đó trở lại một cách kỳ lạ!”.
Nguồn vui đích thực Tôi nhận thấy những điều gây cho người ta thích thú, chẳng hạn như một niềm vui nào đó, tuy dầu thánh thiện đi nữa, thì kết thúc cũng làm tâm hồn mệt mỏi, nếu người ta quyến luyến nó, và một niềm vui kéo dài chẳng bao lâu sẽ biến thành buồn thảm. Chị trả lời tôi về nhận xét này như sau: “Chỉ trong Chúa mới có an nghỉ và niềm vui đích thực không hề làm mệt mỏi, đó là niềm vui con người múc trong quên mình, khinh bản thân. Vậy về chuyện chị yếu đuối chiều hôm qua… (tôi đã khóc vì thấy phải đi thăm các bệnh nhân sau giờ Kinh mai [Matimes] - lúc tôi đã quá mệt mỏi, và một chị đã trông thấy tôi khóc). Nếu chị bạn bắt gặp chị khóc nên cho là chị chưa có nhân đức và chính chị cũng thật tình nghĩ như thế, thì đó là nguồn vui chân chính rồi!”. - Ồ! Chị có lý, em rất hiểu mình phải làm gì, em thấy rõ vậy, nhưng em không sao thi hành nổi. Không, không bao giờ em nên tốt lành được! - Có, có chứ! Chị sẽ nên thánh thiện, Chúa sẽ làm cho chị thánh thiện. - Vâng, nhưng không bao giờ thụ tạo nhận ra điều đó cả, và nếu em cứ vấp ngã mãi, thì người ta sẽ luôn cho em là bất toàn, còn Chị lại được các chị em nhận ra là thánh thiện! - Tin rằng mình bất toàn và thấy người khác hoàn hảo, đó là hạnh phúc. Việc người ta cho chị là không có nhân đức không làm chị mất mát gì cũng không làm chị bất hạnh hơn, mà chính những người khác phải mất niềm vui nội tâm, vì “không có gì êm dịu bằng nghĩ điều hay cho người xung quanh”. Ai phán đoán bất lợi cho chị thì mặc kệ họ, trái lại hữu ích biết bao cho chị nếu chị biết do đó mà tự khiêm vì mến Chúa”. Tôi tự thú với Chị: - Lúc đó em hình như chẳng còn nghĩ ngợi được gì nữa! - Điều đó không sao hết. Chúa biết rõ tâm tư chị. Và cố ý làm tôi bật cười nên Chị dùng một câu tiếng lóng chúng tôi đã từng biết với nhau: “Bạn càng khiêm tốn bao nhiêu thì bạn càng sung sướng bấy nhiêu”. Tôi bảo Chị: - Ồ! Khi em nghĩ tới những điều em phải ‘thu thập lấy!’ - Chị hãy nói là phải “bỏ mất đi” thì đúng hơn!… chính Chúa Giêsu sẽ chan hoà tâm hồn chị với những huy hoàng của Ngài, từ như chị biết trừ khử những bất toàn nơi lòng chị nhiều hay ít. Chị hay nói với tôi: “Chị không tập được nhân đức nào cả! Chị muốn ‘leo’ núi trong khi Chúa muốn ‘hạ’ chị xuống đáy thung lũng phì nhiêu, ở đó chị sẽ học bài học tự khinh bản thân”.
Vị thánh chơi xích đu Muốn áp dụng từng chữ lời thánh Phaolô: “Anh em hãy cẩn trọng làm việc lành, không phải chỉ trước mặt Chúa, mà cả trước mặt người ta nữa”. “Tôi hoài bão luôn làm gương tốt quanh tôi”, muốn các chị em Nhà tập coi tôi như mẫu mực, nên khi tôi vấp ngã điều gì, tôi coi như tất cả đều đổ vỡ! Chị bảo tôi: “Như vậy chỉ là tìm chính mình, là nhiệt tâm giả tạo và ảo tưởng. Người ta thuật lại rằng: Có một vị Giám mục muốn biết một vị thánh tiếng tăm lừng lẫy, nên tới thăm Ngài, có các bậc vị vọng trong Toà Giám mục đi theo. Đấng Thánh thấy từ xa vị Giáo chủ cùng với đoàn tháp tùng tiến tới, Ngài liền có một biến động hư danh và vì muốn phản kháng lại, nên thoáng thấy đám trẻ đang chơi đánh đu trên cây gần đó, Ngài liền bảo một em xuống và ngồi thế vào chỗ em. Vị Giám mục coi Ngài như kẻ mất trí, liền trở về mà không cần điều tra gì hết! Nhiều lần vì tâm hồn chưa đủ cứng rắn để lãnh nhận lời khen lao, thì đôi khi phải biết hy sinh chút lợi bên ngoài để có ích cho việc thánh hoá bản thân. Chị phải vui mừng thấy mình vấp ngã, và nếu việc vấp ngã không xúc phạm đến Chúa thì đôi khi ta phải chủ tâm vấp ngã để giữ được lòng khiêm tốn”.
Nhờ Đức Trinh Nữ Chị dửng dưng trước những điều người ta nghĩ về Chị, ngay cả lúc kẻ khác cho là việc thiếu xây dựng cũng vậy. Khi Chị mới nhuốm bệnh, trước mỗi bữa ăn, Chị buộc phải đi uống thuốc. Một chị lớn tuổi lấy làm lạ và than phiền, vì thấy Têrêsa không giữ luật. Chỉ cần một lời phân trần là Chị đã làm chị lớn tuổi kia an lòng rồi. Nhưng Chị im lặng để rập theo gương Đức Trinh Nữ, vì Mẹ chịu mất tiếng tốt, hơn là phân trần với Thánh Giuse. Chị luôn nói với tôi về cách cư xử này, tuy rất đơn sơ, nhưng cũng rất anh hùng. Như Mẹ Maria, phương pháp hoàn bị Chị dùng là im lặng. Chị thích “giữ tất cả trong tâm hồn niềm vui cũng như nỗi buồn. Tính thận trọng này là khởi điểm đường đưa Chị tới trọn lành, nó như ấn tính bên ngoài, vì đức tính quân bình là điểm bật nơi Chị.
|